Những điều cần lưu ý khi dự thi (kỳ thi viết) HSK

HSK có lẽ không phải khái niệm xa lạ với các bạn học tiếng Trung, chúng ta cần chứng chỉ HSK để phục vụ cho học tập và làm việc. Nhưng để thi đỗ chứng chỉ HSK lại không phải điều dễ dàng? Chắc hẳn các bạn rất thắc mắc về chứng chỉ này đúng không ạ? Hãy cùng Tiếng Trung Hải Phòng HSK tìm hiểu về những lưu ý khi thi HSK nhé!

Lưu ý làm đề thi viết HSK 3,4

Phần viết của đề thi HSK 3,4 gần tương tự như nhau, đều gồm có 2 phần.

Phần 1 là phần sắp xếp câu. Phần này chỉ cần chúng ta nắm chắc kiến thức ngữ pháp cơ bản cũng như trật tự của các từ trong câu là chúng ta đã có thể hoàn thành được bài thi. Trong khi làm bài chúng ta cũng nên chú ý đến dấu câu để tránh mất điểm vì những sai sót không đáng có.

Phần 2 trong bài thi HSK 3 yêu câu viết chữ Hán theo phiên âm đề bài cho sẵn. Đề bài sẽ cho một câu và cho một chữ là phiên âm. Thí sinh phải viết phiên âm đó ra chữ Hán. Bài này yêu cầu thí sinh nắm vững chữ Hán, từ mới cơ bản trong giáo trình Hán ngữ.

Phần 2 trong bài thi HSK4 gồm 5 câu, dùng từ để đặt câu theo tranh cho sẵn. Mỗi câu tương đương với 1 tranh, nhiệm vụ của bạn là nhìn tranh và sử dụng từ đã cho trước để đặt câu, nội dung của câu phải có liên quan đến bức tranh, nên đặt những câu ngắn gọn đơn giản, tránh viết những câu tối nghĩa hoặc không liên quan đến nội dung bức tranh. Bên cạnh đó cũng cần chú ý đến dấu câu, tránh mắc những lỗi sai không đáng có.

Nhìn chung thì phần viết trong đề thi HSK 3,4 không quá khó. Chúng ta chỉ cần nắm chắc các kiến thức ngữ pháp cũng như những từ vựng cơ bản trong giáo trình Hán ngữ là chúng ta đã có thể vượt qua được bài thi rồi.

Lưu ý khi làm đề thi viết HSK 5

Bài thi viết của đề thi HSK5 chia thành 2 phần.

Phần 1 gồm 10 câu sắp xếp lại câu giống như đề thi HSK3, 4. Tương tự như khi làm đề thi HSK 3,4, với dạng bài này chúng ta chỉ cần nắm chắc ngữ pháp và từ vựng là có thể hoàn thành bài thi.

Phần 2 gồm có 2 câu. Câu đầu sẽ cho chúng ta 5 từ và yêu cầu chúng ta dùng 5 từ đó viết thành một đoạn văn 80 chữ. Bước đầu tiên chúng ta phải nghĩ chủ đề đoạn văn dựa trên 5 từ đề bài cho. Có chủ đề thì đoạn văn của chúng ta mới có trôi chảy, có logic. Sau khi xác định được chủ đề thì chúng ta bắt đầu đặt câu với cho sẵn, sau đó sẽ dùng các câu nối, từ nối để liên kết các câu lại với nhau, đặc biệt đến sự logic của các câu. Như vậy sẽ dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn so với việc chúng ta vừa viết vừa nghĩ.

Câu thứ 2 sẽ cho chúng ta một hình ảnh yêu cầu chúng ta dựa vào hình ảnh để viết thành đoạn văn hoàn chỉnh khoảng 80 chữ.

+ Đối với hình ảnh có nhân vật. Suy đoán mối quan hệ của các nhân vật thông qua ngoại hình, trang phục, hành động của nhân vât trong tranh. Sau đó viết các câu đơn giản theo hành động của nhân vật. Thêm mô tả khác như chuyển động, biểu hiện, ngoại hình, tâm lý, ngôn ngữ, v.v. Từ đó chúng ta có thể liên hệ đến  những vấn đề trong thực tế cuộc sống.

+ Đối với hình ảnh không có nhân vật. Đầu tiên hãy tìm ra từ khóa của bức tranh.

Ví dụ:

Đề bài cho một biển báo cấm câu cá thì từ khóa sẽ là 禁止钓鱼. Sau đó chúng ta sẽ dựa trên từ khóa đó và đặt những câu hỏi có liên quan như:

谁立?Ai đã làm biển hiệu?

为什么要立这块牌子?Vì sao phải làm biển hiệu này?

什么作用?   Biển hiệu này có tác dụng gì?

Sau khi trả lời được những câu hỏi này thì chúng ta có thể dùng các liên từ, các câu nối để liên kết chúng thành một đoạn văn hoàn chỉnh, có logic.

Đối với cả hai câu viết đoạn văn này, nếu có thể hãy cố gắng dùng những cụm từ bốn chữ, những cấu trúc câu đặc biệt trong bài viết, như vậy bài viết của chúng ta sẽ được đánh giá cao hơn. Vì 80 chữ rất ngắn nên chúng ta cố gắng viết rõ ràng, mạch lạc tránh kể lể, dài dòng dẫn đến mất điểm. Cuối cùng là kiểm tra và chỉnh sửa ngữ pháp, dấu câu, chữ Hán.

Lưu ý khi làm đề thi viết HSK 6

Đề thi viết của HSK 6 không giống như các cấp khác, nó chỉ có duy nhất 1 câu. Đề bài thường là một câu chuyện dài 1000 chữ. Thí sinh sẽ có thời gian để đọc và ghi nhớ các chi tiết của câu chuyện đó nhưng không được phép ghi chép. Sau khi đọc phải tóm tắt lại câu chuyện bằng một đoạn văn khoảng 400 từ.  Khi đọc bài, nên đọc lướt 1 lần để nắm bắt mạch truyện.  Sau đó đọc kỹ lại để ghi nhớ những chi tiết quan trọng như:

+ Thời gian (nếu có quá nhiều mốc thời gian thì chỉ cần nhớ những mốc chính)

+ Địa điểm (cũng chỉ cần nhớ địa điểm chính)

+ Nhân vật (cố nhớ tên nhân vật, còn nếu không nhớ được thì dùng đại từ để thay thế cũng được, không sao)

+ Nguyên nhân

+ Diễn biến (theo đúng trình tự thời gian)

+ Kết quả ra sao

Khi viết không thêm thắt quan điểm của bản thân hoặc những chi tiết không có trong bài. Trong bài viết nên sử dụng các mẫu câu đặc biệt, các câu ghép có định nghĩa đa tầng, các cụm từ 4 chữ. Ví dụ như thay vì viết 一个天真的小姑娘 chúng ta có thể viết thành 一个未经世事的小姑娘。Như vậy bài viết của chúng ta sẽ được đánh giá cao hơn. Sau khi viết bài xong các bạn đừng quên đặt tiêu đề cho bài nhé!

Trên đây là những chia sẻ của tiếng Trung Thượng Hải khi làm bài thi viết HSK 3,4,5,6.  Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp các bạn tự tin hơn khi làm bài thi viết HSK.

Chúc các bạn đạt được thành tích cao trong kỳ thi HSK sắp tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *